Nhập từ khoá và bấm Enter để tìm kiếm...

Tưởng niệm Linh mục Nhà thơ Fx Võ Thanh Tâm

Linh mục nhà thơ Phanxicô Xaviê Võ Thanh Tâm sinh ngày 03-01-1932 tại giáo xứ Thọ Ninh, giáo hạt Nghĩa Yên, giáo phận Vinh. Cha thụ phong linh mục năm 1963 và đã coi sóc nhiều giáo xứ trước khi được gửi đi du học, bảo vệ thành công luận văn Tiến sĩ Giáo luật tại Đại học Urbano, Rôma, năm 1998. Cha tham gia giảng dạy tại Đại chủng viện Vinh Thanh, 1998-2007;
NGUỒN:

Đôi nét tiểu sử

Linh mục nhà thơ Phanxicô Xaviê Võ Thanh Tâm sinh ngày 03-01-1932 tại giáo xứ Thọ Ninh, giáo hạt Nghĩa Yên, giáo phận Vinh. Cha thụ phong linh mục năm 1963 và đã coi sóc nhiều giáo xứ trước khi được gửi đi du học, bảo vệ thành công luận văn Tiến sĩ Giáo luật tại Đại học Urbano, Rôma, năm 1998. Cha tham gia giảng dạy tại Đại chủng viện Vinh Thanh, 1998-2007; là Tổng Đại diện giáo phận Vinh từ năm 2007 đến năm 2010; là quản xứ kiêm quản hạt Xã Đoài, từ năm 2010 đến năm 2014. Sau thời gian phục vụ lâu dài, cha nghỉ dưỡng tại Nhà hưu dưỡng Xã Đoài từ năm 2014 cho tới khi được Chúa gọi về lúc 02g30 ngày 18-08-2017, hưởng thọ 85 tuổi và 54 năm sống trong chức linh mục.
Cha đã sáng tác nhiều thơ. Trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử tại Qui Nhơn, ngày 22-9-2012, cha đã có bài phát biểu về tầm quan trọng của thơ văn trong lãnh vực loan báo Tin mừng. Tác phẩm đã in: Hương Xuân (1999), Hương Trầm (2014), Những Bông Hoa Nhỏ, Gởi Bạn Đau Khổ (2017).

Lời vọng ngân

Lần đầu tiên tôi được nghe ngài giảng tại lễ Chầu lượt xứ đạo Kẻ Tùng - quê ngoại vợ tôi - bên dòng sông La trong xanh hiền hòa. Với giọng âm vang mà ấm áp, với ngôn ngữ vừa bình dân vừa bác học, với những câu chuyện và địa danh Chúa đã chịu tử nạn mà ngài may mắn được viếng thăm, bài giảng ngài hôm đó thật sự thu hút giáo dân. Có phải nhờ được về quê hương mà bài giảng của ngài có cánh hơn chăng? Tôi đã nghe các linh mục giảng trên ba miền Bắc Trung Nam, nhưng đó là một trong những bài giảng gây ấn tượng với tôi nhất.
Tôi chưa từng được hân hạnh nói chuyện với ngài, nhưng đọc thơ ngài thấy sự chân thật và đắm say của một hồn thơ luôn kính Chúa và mến Đức Mẹ. Ngài đã đọc thơ tôi và nhận xét - theo linh mục Giuse Hồ Ngọc Bá - đồng môn với ngài: Thơ Lê Quốc Hán khó hiểu quá!

【Lê Quốc Hán】
Đai học Vinh - Hội Nhà Văn Việt Nam

Tác phẩm để lại
Thế là tác giả của bài thơ "Hạnh phúc người Công giáo" đã đi xa, rất xa... Tôi chỉ mới gặp được người có một lần... Lần gặp ấy, tôi đã tranh thủ đề cập ngay tới bài thơ của ngài, bài: "Hạnh phúc người Công giáo". Tôi thích nhất dòng thơ của ngài: "Viết yêu thương bên cạnh tiếng đau thương", và dòng kết luận của bài thơ: Ôi Công giáo, Vatican, La Mã, Những danh từ quý đẹp biết bao nhiêu, Tôi muốn viết lên mặt giấy rất nhiều, Và nhai nuốt cho hoà vào máu thịt. Còn Cha thì nhớ sâu sắc về một kỷ niệm đau đáu: "Trong xà-lim vẫn có người se sẽ, hát Salve cho vợi bớt đắng cay". Cha đã cho thấy logic của cuộc sống. Rằng từ kỷ niệm này mới có "Viết yêu thương bên cạnh tiếng đau thương" và đi đến những dòng kết luận sáng giá.
Cha là người kiên vững trong lập trường, nghiêm nghị trong tác phong nhưng lại nhẹ nhàng trong ứng xử. Có lẽ những đức tính đó đã dệt nên một bài thơ vừa có chất thép vừa giàu cảm xúc và được nhiều bạn đọc ưa thích. Tôi chợt nhớ nhận xét của một bạn đọc nói về tập Hương Trầm của cha Võ Thanh Tâm, trong ấy có bài: "Hạnh phúc người Công giáo". Bạn ấy nói: "Nhiều khi cả tập thơ chỉ cần nhớ một bài, và cả đời người chỉ cần để lại một tác phẩm"! Giờ đây cha Võ Thanh Tâm đã ra đi, nhưng tác giả đi, bài thơ còn đọng lại. Nhớ về cha, lại âm vang bài thơ "Hạnh phúc người Công giáo".

【Lm PHÊRÔ HỒNG PHÚC】
Trưởng ban Văn hóa Giáo phận Phát Diệm